Đừng mong những gì không thể có ở người khác – Câu chuyện ý nghĩa sâu sắc
✍️Nhà văn Phan Chi
Lần đó tôi bay từ Huế đi Tp. HCM. Máy bay bị delay khá lâu, thời đó chưa có điện thoại hay iPad để vào mạng giết thời gian, tôi ngồi quan sát đám hành khách trong phòng đợi. Mỗi người một vẻ, đa số là nóng ruột hơi chút cáu kỉnh. Không gì chán hơn cảnh chờ đợi, lâu lâu lại nghe trên loa: “Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam xin lỗi quý khách…”
Tôi mở tập tài liệu được phát trước cho cuộc hội thảo ngày hôm sau ở Tp. HCM ra đọc thì nghe một giọng Huế nam trung ấm nhẹ:
⁃ Thưa, đây có ai ngồi chưa ạ?
Trước mặt tôi là một ông thầy chùa, nhìn trang phục biết ngay là người tu hành, chỉ không biết là sư cấp bậc nào. Tôi đứng dậy, lễ phép mời thầy ngồi vào chỗ trống bên cạnh. Vị sư cảm ơn, nụ cười nhẹ nhõm của người Huế.
Tôi tiếp tục đọc mớ tài liệu. Ông thầy chùa khoan thai lấy từ trong túi vải ra cuốn sách, ngồi đọc chăm chú. Tôi vô cùng ngạc nhiên thấy bìa sách ghi “principes fondamentaux de la mécanique quantique”. Tôi không rành tiếng Pháp nhưng có học hai học kỳ môn Cơ học lượng tử nên hiểu cuốn sách của ông thầy viết về Cơ học lượng tử. Vô cùng ngạc nhiên, tôi thốt lên thưa thầy thầy đọc cả loại sách này ạ. Ông cười hơi bẽn lẽn:
⁃ Tìm hiểu thế giới vi mô và thế giới vĩ mô đều rất thú vị.
Vì phép lịch sự, tôi không tỏ ra có đôi chút kiến thức về vật lý hiện đại, tiếp tục đọc tài liệu và để cho ông ta tiếp tục với cuốn sách của mình.
Chúng tôi không trò chuyện gì cho đến khi loa thông báo chuyến bay của chúng tôi sẽ cất cánh sau 30 phút nữa. Mọi người đổ xô về phía cửa ra máy bay theo thói quen cố hữu của người Việt Nam. Tôi với nhà sư chậm rãi ra đứng cuối hàng, lúc đó tôi mới phát hiện ông ta đi cà nhắc.
Sân bay Phú Bài là sân bay nhỏ, hành khách đi bộ ra máy bay. Tôi định giúp dìu ông đi nhưng ông xua tay cảm ơn, nói tôi tự đi được.
Người ta nói có duyên thì gặp, chàng trai ngồi cạnh nhà sư xin đổi chỗ cho tôi để được ngồi cạnh bạn gái. Thế là tôi được ngồi cạnh nhà sư, trò chuyện hơn một giờ bay.
Không cắt nghĩa được vì sao tôi lại dùng giọng Huế nói chuyện với ông, có thể vì giọng ông ấm áp, nhỏ nhẹ nhưng nội lực như mọi người Huế trí thức. Ông không xưng thầy và tôi cũng không xưng con với ông, bởi chúng tôi không gặp nhau ở chùa mà chỉ là những người đồng hành một chuyến bay.
Ông gầy, chắc thua tôi dăm tuổi. Mùa hè mà ông vẫn đi giày. Đoán được thắc mắc của tôi, ông cười nói chân trái là chân giả.
Rồi ông kể về cuộc đời, về cái chân giả của ông. Có lẽ ông tìm thấy ở tôi một người biết nghe chuyện.
⁃ Năm 1973 tôi mười tám tuổi, bị bắt lính. Anh biết rồi đó, đang đi ngoài đường bị bắt đưa lên xe chở thẳng lên trại huấn luyện thế là thành lính thôi. Năm đó anh ở đâu?
⁃ Năm đó tôi ở Hà Nội, học xong ra đi làm rồi.
⁃ Tôi tưởng anh người Huế?
⁃ Dạ tôi người Huế, theo cha mẹ ra Bắc, cha mẹ tôi theo Cụ Hồ mà.
⁃ Sau khoá luyện binh tôi bị điều về một đơn vị ở phía Tây Thừa Thiên. Nhà ai có tiền chạy thì không phải ra vùng chiến sự, nhà tôi nghèo đành chịu. Năm 1973 ký Hiệp định hoà bình Pari, không còn những trận đánh lớn nhưng xung đột lẻ tẻ thì vẫn còn. Năm 1974 tiểu đội tôi đang đi trong rừng thì đụng phải nhóm quân Bắc Việt. Nghe tiếng AK tôi bắn lung tung rồi trúng đạn ngất đi.
Không biết tôi ngất bao lâu, khi tỉnh lại thấy mình nằm trên đám lá, một bàn chân không còn nữa. Anh bộ đội Bắc Việt đang ngồi cạnh tôi, mở bi đông nước cho tôi uống từng ngụm một:
⁃ Tao đã buộc chặt chân mày để cầm máu, đã băng bó sơ rồi. Tao bị thương ở vai nên không cõng mày được, mày chịu khó để tao dìu đi tìm chỗ nào có người để nhờ họ giúp.
Tôi không nhớ chúng tôi đi bao lâu, hai người đi ba chân cùng với khúc cây anh chặt làm nạng cho tôi. Trời Phật phù hộ, chúng tôi cùng ngất lịm trước cổng ngôi chùa nhỏ, đúng hơn là cái am với duy nhất một vị sư già.
Vị sư già lần lượt đưa chúng tôi vào am, nấu nước lá cây rừng rửa vết thương, thay băng cho chúng tôi. Nhờ sư ông cứu chữa, một tuần sau anh Quang – anh bộ đội Bắc Việt xin phép chia tay tìm về đơn vị. Còn tôi ở lại với một chân không có bàn chân. Sư phụ đã cứu sống tôi và người đã nhận tôi về với Phật.
⁃ Thế là thầy ở lại chùa tu luôn.
⁃ Đó là cái duyên. Tôi không bị thương thì không gặp được sư phụ. Ngài là bậc trí thức, vì bất hợp tác với Ngô Đình Diệm mà bỏ lên núi tu. Ngài thương tôi lắm. Năm 1977 ngài xin cho tôi qua Ấn Độ học, sau tám năm tôi nhận bằng tiến sĩ Phật học. Về nước có nhiều nơi cho tôi đến nhưng tôi về ngôi chùa cũ, phụng dưỡng sư phụ cho đến khi Ngài viên tịch.
⁃ Và thầy vẫn ở đó cho đến nay?
⁃ Dạ đúng, đó là nơi lý tưởng cho việc tu hành.
Theo thói quen của người hay đi họp tôi hỏi lần này thầy vô Sài Gòn là có việc của Giáo hội? Thầy cười:
⁃ Thỉnh thoảng tôi cũng có đi việc của Giáo hội nhưng lần này thì không. Lần này tôi đi đám cưới con của người anh.
⁃ Thầy còn người anh ngoài đời.
⁃ Hơn cả anh ruột nữa. Đó là anh Quang, người dìu tôi đi trong rừng năm 1974 đó. Anh Quang là sinh viên khoa Lý trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, năm 1973 nhập ngũ vô Nam chiến đấu. Sau năm 1975 anh về học tiếp Đại học rồi đi Liên Xô nghiên cứu sinh, sau sang Pháp làm luận án tiến sĩ. Các sách vật lý tôi có là nhờ anh Quang tặng.
⁃ Vậy là hai anh em đã tìm được nhau sau chiến tranh.
⁃ Anh Quang tìm chứ tôi biết đâu mà tìm. Khoảng năm 1990 anh Quang ở Pháp về, mò tìm lại ngôi chùa năm xưa đã cưu mang anh. Anh biếu sư phụ bao gạo ngon, cả thùng sữa và mấy hộp sâm Triều Tiên. Sư phụ mừng lắm, ôm hai anh em chúng tôi khóc: “Đời ta đi tu thế là thành công, ta có hai đứa con đều là tiến sĩ”.
Tôi hiểu ý của sư phụ là tu ở chùa hay tu trong đời sống cũng đều là tu, miễn sao anh có tu dưỡng.
Anh Quang hiện là cán bộ giảng dạy ở Tp. HCM. Hè vừa rồi anh cho thằng con trai, cái thằng ngày mai làm đám cưới đó, về ở với tôi một tháng, nói nhờ chú dạy nó làm người giúp anh. Coi như nó đi tu một tháng. Tức cười là ba nó nhờ ông thầy chùa dạy con cách làm làm chồng, làm người.
Tôi cười theo ông sư, tranh thủ nhận một bài học luôn:
⁃ Thưa, thầy có thể cho tôi biết bài học đó không?
⁃ Nói thì dài lắm mà tóm gọn lại là để có hạnh phúc ta ĐỪNG ĐÒI HỎI NHỮNG GÌ KHÔNG THỂ CÓ Ở NGƯỜI KHÁC.
Đã mấy chục năm trôi qua, tôi thấy lời vị thầy chùa quá đúng. Càng ngẫm nghĩ càng thấy đúng. Sẽ viết riêng điều đó ở một bài khác.
Hôm nay chỉ nói chuyện đạo và đời. Thực ra, tuy hai mà vẫn là một.
Nhà văn Phan Chi