Nụ cười – Câu chuyện xúc động ý nghĩa sâu sắc

Ngày cưới con trai, con dâu được mẹ chồng là chị lên sân khấu trao quà. Đó là một chiếc kiềng vàng chừng ba chỉ. Người thợ ảnh giơ máy lên, nheo mắt ngắm, hô to:

-Cười lên nào? Một…hai …ba. .nào. Tươi lên nào?

Mọi người ở ngoài đều giục.

– Kìa, tươi lên! cười lên! Nhanh lên!

Không đừng được, chị nhếch miệng cười, một nụ cười gượng gạo và héo quắt. Hình như là đã lâu lắm rồi, có dễ đến bốn mươi năm, hôm nay mới có dịp bắt buộc phải cười cho nên nhìn vào cái miệng cười của chị, nó cứ méo mó, tội nghiệp sao sao ấy.

* * *

Gần bốn mươi tuổi, con trai chị mới chịu lấy vợ. Vợ nó kém nó hẳn một con giáp. Nghe nói con bé này mê thằng con chị lắm, từ ngày mới rời ghế phổ thông ra Hà Nội học năm thứ nhất, bây giờ cô bé đã ra trường, đi làm mà anh chàng vẫn cứ dửng dưng, dùng dằng chưa chịu cưới. Con bé quyết định tung ra chiêu cuối cùng: có bầu.

Nó đành chấp nhận.

Khỏi phải nói là mọi người vui đến mức độ nào? Bạn bè của thằng con kéo đến đông lắm, mặc dù nó có mời đứa nào đâu? Chúng nó bảo nhau, cứ đến để chúc mừng thằng “ế vợ”.

Con trai có vợ, chị rất vui vì từ nay nó không còn vất vưởng lông bông, nó có một tổ ấm để đi về, như đũa có đôi, bảo nhau ăn nhau làm. Họ hàng mừng cho chị vì con trai đã yên bề gia thất. Con trai chị có vợ đã phá tan đi cái tin đồn là nó có vấn đề về giới tính. Nó có vợ có nghĩa là mọi người không còn thì thào bàn tán là hận bố lắm nên nó muốn ở vậy suốt đời

* * *

Chị của ngày xưa, cách đây hơn bốn mươi năm rồi, là một cô gái nhà nghèo nhưng có học. Bố mất sớm, mẹ một mình cặm cụi sớm hôm nuôi nấng, động viên con cố gắng học để thoát khỏi cảnh chân lấm tay bùn. Ở cái làng quê yên bình, xa tỉnh xa huyện này, là con gái mà được học cao như chị có thể đếm được trên đầu ngón tay, hiếm lắm. Học xong cấp ba, thi đại học, chị đã đỗ và có giấy gọi đi học xa nhà. Ngày ấy, thi đỗ và được đi học như chị cũng là một kì tích, là niềm mơ ước của bao người. Tốt nghiệp ra trường, những năm tám mươi của thế kỷ trước, tất cả đều phải chịu sự phân công của nhà nước. Chị bị điều động vào công tác tại một tỉnh của miền nam, xa xôi quá. Thời điểm đó, ai cũng sợ phải đi xa, đặc biệt là thân gái đơn côi như chị.

Nhà chỉ có hai mẹ con, chị không thể để mẹ lại một mình. Dằn vặt, nghĩ suy, bao đêm thức trắng và cuối cùng, chị quyết định chống lệnh: ở nhà.

Ở nhà, đồng nghĩa với việc không còn sổ gạo. Ở nhà, có nghĩa là phải ăn ké vào những hạt lúa, củ khoai được chia từ những công điểm đi làm hợp tác xã của mẹ. Ở nhà, cũng có nghĩa là phải từ bỏ tất cả để tập làm những công việc của nhà nông từ những ngày đầu chập chững. Và rồi, có một chàng trai nhà ở xã bên, hơn chị gần chục tuổi, là bộ đội chuyển ngành, đang công tác ở một cơ quan trong huyện. Anh ta cũng từng trải qua mấy mối tình nhưng vẫn chưa ra đâu vào đâu, đến nhà cưa cẩm chị. Chị bị đổ gục bởi vẻ ngoài hào hoa phong nhã, ăn nói có duyên.

– Anh sẽ xin cho em về huyện. Bạn bè anh nhiều lắm, em yên tâm.

– Ôi, thật không anh? Nếu được như vậy thì anh là ân nhân, là vị cứu tinh của đời em đấy!

Chị vui lắm. Con tim thổn thức của một cô gái mới yêu lần đầu lúc nào cũng như loạn nhịp. Chị vừa được yêu, vừa được gần anh, lại vừa được kề bên mẹ. Có nằm mơ chị cũng không dám nghĩ đến điều quá may mắn xa xôi này.

Thế rồi, họ có với nhau những đêm trăng hò hẹn. Họ ngồi bên nhau dưới chân con đê sực nức mùi sen. Trăng thanh gió mát, phong cảnh hữu tình, chị trao cho anh nụ hôn đầu đời tinh khiết. Và điều gì đến sẽ phải đến. Chị có bầu khi tình yêu chưa được công khai. Lo sợ cuống cuồng, chị gặp anh cầu cứu.

– Anh ơi, làm thế nào bây giờ? Em có thai rồi.

– Cứ từ từ để anh tính.

-Tính sao đây? Hay là chúng mình cưới nhau đi! Thôi bây giờ em cũng không cần công việc nữa. Em chỉ cần anh và con. Em chấp nhận là một người nông dân, không hề tiếc nuối những năm dài ăn học.

– Nhưng mà anh còn sự nghiệp, còn gia đình, còn nhiều ràng buộc

– Trời ơi! Anh gần ba mươi tuổi rồi, còn đắn đo gì nữa?

– Anh chưa sẵn sàng, tha lỗi cho anh, anh không thể cưới em…

Chị đứng lặng, tim thắt lại, không thể nói được lời nào. Biết nói gì, biết làm sao khi anh từ chối thẳng thừng như vậy? Cầu xin ư? Phỏng ích gì.

Kiện cáo ư? Ai làm chứng.

Chửi bới ư? Chửi thế nào?…

Thôi thì cứ cắn răng, âm thầm mà chịu đựng. Có duyên mà không có phận. Chị cũng chẳng khai ra bố đứa trẻ là ai. Mẹ hỏi, chị cũng không nói. Nó là con chị, thế thôi.

Một thời gian dài sống trong im lặng, đắng cay và tủi nhục, bỏ ngoài tai mọi lời lẽ dè bỉu, dèm pha, rồi cũng đến lúc đứa trẻ ra đời. Nó là con trai, trắng trẻo và xinh xắn, đáng yêu vô cùng. Tưởng rằng, đứa con sẽ làm cho nụ cười trở lại trên môi chị. Nhưng không, vẫn ánh nhìn buồn bã, vẫn những giọt nước mắt lăn dài, vẫn câm lặng không trò chuyện cùng ai và để rồi, điều tệ hại nhất là chị sinh con ra mà không có sữa. Thằng bé phải sống bằng nước cơm, nước cháo và những giọt sữa mà những người mẹ đang nuôi con san sẻ khi bà ngoại bế nó đến bú nhờ.

Và rồi, thằng con trai chị cũng cứ thế lớn dần lên, đẹp đẽ, ngoan ngoãn và hiểu chuyện. Nghe người làng thì thào về bố, nó về rỉ tai mẹ hỏi:

– Mẹ ơi, có phải bố con đấy không?

– Không phải đâu con ạ. Người ta nói dối đấy!

Nghe mẹ nói vậy, từ đó trở đi, nó không bao giờ đả động đến chuyện đó nữa.

Ở lớp, nó luôn đứng tốp đầu, thành thử bạn bè đều yêu mến và nể phục, mặc dù nó chỉ là một đứa trẻ mà trong giấy khai sinh, phần ghi về bố luôn để trống. Từ nhỏ đến lớn, nó đều có rất nhiều bạn, và đặc biệt là có mấy đứa cùng xóm luôn đồng hành và bảo vệ. Nó rất tự tin và không hề mặc cảm khi mình là một đứa trẻ sinh ra từ một người mẹ đơn thân. Điều này thì nó lại khác hẳn với chị, một người mẹ lúc nào cũng ủ rũ âu sầu, nét buồn luôn hiện rõ trên khoé mắt, bờ môi.

Tốt nghiệp phổ thông, nó thi đại học và đạt 26,5 điểm cho ba môn toán ,lý, hoá hai mươi năm về trước. Cả xóm có một mình nó đỗ. Họ hàng đến chúc mừng, còn chị thì lại nước mắt ướt bờ mi.

– Liệu có nuôi được con năm năm không, khi trong tay mẹ chỉ có hơn một sào ruộng cấy?

– Mẹ ơi ! Con sẽ đi làm thêm để phụ vào với mẹ.

Và, như đã hứa, anh con trai rất chăm chỉ, vừa đi học, vừa đi làm gia sư thêm, đủ tiền trang trải. Có điều, nó vất vả lắm, đạp xe có khi tới mười lăm km đến địa điểm dạy thêm. Chị thương con nhưng biết làm sao được?

Ra trường, con trai chị tìm được việc làm phù hợp và có công việc ổn định, giúp đỡ mẹ rất nhiều. Nó mang tiền về, phá căn nhà cũ nát ngày xưa, xây lên ngôi nhà mới thoáng mát và tiện nghi đầy đủ. Đã đến lúc được hưởng hoa thơm quả ngọt, nhưng ánh mắt của chị vẫn đượm buồn, nụ cười trên môi vẫn hững hờ và đắng đót, đợi ngày con gia thất vẹn tròn.

* * *

Buổi sáng một ngày đầu hè nắng đẹp, chị bế trên tay đứa trẻ ngoài tháng tuổi ra hiên ngồi chiếu ánh nắng mặt trời. Người đi qua đi lại nhìn chị mỉm cười thân thiện. Chị tươi cười đáp trả, ánh mắt tràn đầy niềm vui, hồn nhiên nựng cháu

– Xinh lắm cơ! Yêu lắm cơ! Gái vàng, gái bạc, gái kim cương của tôi đây.

Tôi nhìn chị. Đâu rồi, nụ cười đắng đót và héo quắt? Trên môi chị lúc này là một nét cười tươi rói, trẻ trung và rạng rỡ. Một nét cười nằm im trong chị đến bốn mươi năm, hôm nay trở lại. Trở lại trong một buổi bình minh tràn đầy sức sống. Khép lại rồi, những ngày sống buồn bã, mặc cảm, hiu quạnh và cô đơn. Để hôm nay, mầm sống đang hiện hình trong chị – đứa cháu gái thương yêu. Nó là dòng nước mát trong lành tưới lên cuộc đời héo hon của chị. Và chính nó đã làm cho nụ cười của chị rạng rỡ trở lại tuổi đôi mươi…

Nụ cười..
Tác giả: Trần Thị Thúy Hằng

Bài viết khác

Người đàn bà bị câm – Câu chuyện cảm động đầy ý nghĩα nhân văn sâu sắc

✍️ Nguyễn Thị Bích Nhàn Chị bị câm, theo như lời người tα kể thì lúc lên sáu, chị vẫn ríu rít nói cười. Rồi một ngày, trời mưα nặng hạt, sấm chớρ giật đùng đùng. Bα chị kịρ dắt con bò về chuồng nhưng bò vừα vô đến cổng, một tiα chớρ sáng rực, […]

Chuyện người chα Ьị cười nhạo vì mặc quần áo tɾái lên thăm con tɾαi và sự thật ɾơi nước mắt

Đúng là tɾên đời này chỉ có chα mẹ là yêu thương con cái vô điều kiện. Người chα cố tình mặc quần áo tɾái… Tɾong một sân gα đông người quα lại, chα cố gắng lách khỏi đoàn người để chen lên tàu hỏα. Ông tiến tới chỗ người sát cạnh cửα sổ củα […]

Chuộc lại lương tâm – Câu chuyện cảm động đầy ý nghĩα nhân văn sâu sắc

Cách đây hơn năm mươi năm, hồi tôi học trung học, đồng hồ đeo tαy còn là thứ xα xỉ ρhẩm khαn hiếm. Một hôm, thằng bạn cùng bàn sắm được một chiếc đồng hồ mới toαnh; nó đeo đồng hồ rồi xắn tαy áo lên trông thật oách làm sαo, khiến cả lớρ ρhục […]