Tí bụi – Câu chuyện cảm động đầy ý nghĩa nhân văn và tình người
Hồi mới đến ở, nhà tôi cứ tì tì mất dép. Đôi xăng-đan con mới xỏ chân ngày mồng một Tết, mồng hai phải đi dép cũ! Anh bạn đến chơi lịch sự cởi giày ở tấm chùi chân trước hiên, ra về chỉ còn đôi vớ! Học trò đến thăm có đứa đi chân không về!
Tôi than phiền với người hàng xóm, chị ấy bảo: “Thằng Tí chứ ai vô đây. Sư tổ ăn cắp vặt. Cô vô nhà hắn mà chửi”. Tôi không biết chửi. Vả lại không bắt quả tang làm sao mà chửi… hắn! Thế là tôi bắt đầu cảnh giác. Khi có khách, tôi nhìn chằm chằm ra cổng.
Rồi nhà tôi bỗng xuất hiện một vị khách không mời. Đó là một con chó đen tuyền, gầy gò ngồi trực trước cửa. Ngó bộ dạng chẳng mấy khi được no của hắn, tôi thấy thương ném cho mấy mẩu xương.
Hôm sau, hắn lại xuất hiện, mắt dán vào tôi. Không cầm lòng được, tôi lại cho ăn. Cứ thế – ngày lại ngày, giữa hắn và tôi bỗng hình thành một mối dây buộc chặt. Có xương tôi để dành cho hắn.
Đi ăn giỗ ở nhà mẹ, tôi cũng nghĩ đến hắn và nhặt cả túi xương về. Tôi mở cửa cho hắn vào nhận quà. Hắn nhìn đống xương ứa nước dãi nhưng chưa ăn ngay.
Hắn nằm xoài trước hiên, gối đầu lên hai chân trước thở hắt ra sung sướng như một kẻ được nằm nghỉ trên chiếc giường thân thuộc của mình, mắt vẫn ngó tôi đợi chờ một cái vuốt ve. Bao giờ ăn hắn cũng chừa lại một mẩu to nhất tha về.
Thế rồi một lần hắn đang ăn bỗng có tiếng huýt gió. Lập tức hắn bỏ bữa rồi len lén tha một chiếc dép chạy ra cổng…
Thì ra thủ phạm trộm dép nhà tôi chính là hắn.
Nói đúng hơn là tên huýt gió. Thấy tôi cảnh giác, nó huấn luyện con chó thành tòng phạm.
Hắn vẫn ngồi trước cổng nhà tôi dẫu cổng và cả lòng tôi đã khép. Thấy tôi, hắn vẫy đuôi. Tôi bỏ đi, hắn tru lên thảm thiết. Giận dữ tôi ném chiếc dép còn lại mà hắn đã tha mất một chiếc qua rào nhưng hắn không thèm nhặt. Ném một mẩu xương hắn cũng không buồn ăn.
Hắn chỉ nhìn tôi và cái cổng đóng chặt như muốn hỏi tại sao không mở cho hắn vào ?
Tôi gặp hắn đi cùng một thằng nhóc ra chợ. Tôi lơ hắn còn hắn chạy đến vẫy đuôi tíu tít mừng tôi. “Win. Lại đây!” – Thằng nhóc gọi. Thì ra hắn tên Win. Còn thằng kia chắc là Tí bụi vì trông hắn rất “bụi”. Loắt choắt, bẩn thỉu, ranh ma.
Mua xong, ra đến cửa chợ tôi bỗng nghe tiếng chân sầm sập và tiếng la í ới: “Trộm… trộm… bắt lấy…”. Một con chó đen miệng ngậm tảng thịt lao ra khỏi chợ, ngang qua tôi bỗng dừng lại.
Chỉ cần tích tắc khựng lại ấy, người đuổi theo đằng sau đã kịp quật một gậy. Đau quá hắn khuỵu xuống. Chiếc gậy lại nhắm đầu hắn vút tới. Tôi kịp thấy đôi mắt hắn nhìn tôi da diết…
Không nghĩ, tôi đưa chiếc giỏ thức ăn đỡ đòn cho hắn.
Con chó thoát hiểm gượng dậy lảo đảo chạy tiếp, còn tôi ngồi giữa đống đồ ăn tung tóe với bao câu rủa ráy: Điên. Tự nhiên hứng! Chắc là chủ. Ngó thế mà chủ của con chó ăn cắp! Đền đây! Hơn một ký thịt đấy!… Mất toi tiền vô duyên.
Trưa hôm ấy, một đôi dép phiêu bạt bỗng về lại mái nhà xưa. Từ đó cổng nhà tôi hay mở và con Win vào nằm xoài trước mái hiên đầy nắng. Nó ăn, lơ mơ ngủ rồi sực nhớ đến chủ lại tất tả ra về.
Thỉnh thoảng tôi gói cái gì đó trong bao nylon. Con chó thật khôn, thấy đưa bao nylon là biết ngay quà của chủ lập tức ngậm ở miệng chạy về. Trong bao nylon đôi khi còn là mấy chiếc áo cũ. Soạn đồ của con, tôi chạnh nghĩ đến chiếc áo bẩn ngắn cũn cỡn không cài khuy của Tí bụi…
Con Win ngày càng nặng nề. Thì ra hắn sắp làm mẹ. Một lần có giỗ, đợi mãi hắn không ra, tôi cầm bịch thức ăn hỏi nhà Tí bụi.
Hắn ở tuốt xóm trong, bên hồ rau muống của bà Tư… Không ai thấy cha hắn. Hai mẹ con sống lăn lóc ở hè phố bụi bờ. Bà Tư cho che tạm túp lều bên hồ rau muống để vừa canh rau cho bà vừa có chỗ chui ra chui vào.
“Nhà” Tí bụi mùa hè mát nhưng mùa đông lạnh lùng! Túp lều đầy rác, nhỏ nhoi như tai nấm, không biết tựa vào đâu để trốn gió.
Những tấm nylon che chắn tạm bợ cứ lật lòng khoe túp lều nát, rác đuổi nhau loăng quăng. Bà mẹ tâm thần của Tí bụi ngày nào cũng đi kiếm rác rồi tẩn mẩn đếm như người ta đếm tiền, thỉnh thoảng phì cười một mình
Con Win có nhiệm vụ không cho người lạ vặt rau muống của bà Tư, không cho bà điên ra khỏi nhà ban đêm và theo Tí bụi kiếm ăn.
Thấy tôi, hắn nhổm dậy mừng rỡ rồi lại nằm xuống hãnh diện liếm mấy chú cún bé xíu trên chiếc bao tời rách như muốn khoe rằng: con hắn đấy! Còn Tí bụi đang luộc rau muống bằng rác, chùi tay vào quần giương mắt ngó tôi.
Trong túp lều rách nát ấy, những sinh vật khốn cùng lại rất thương nhau. Thấy cách Tí bụi săn sóc bà mẹ điên và bầy chó, tôi nhận ra sau lớp bụi đời và cáu bẩn, tâm hồn hắn vẫn lóng lánh những sắc mầu đáng quý.
Bầy chó con dễ thương lên từng ngày. Tí bụi bảo con đẹp nhất sẽ tặng tôi. Nhiều đêm tôi thức giấc, túp lều ngập rác mà không thiếu tình yêu ấy bỗng hiện ra… Cả những dự tính. Chẳng hạn chuyện Tí bụi học chữ, đi bán vé số thay vì moi rác và ăn cắp….
Sáng ấy, tôi có tiết thao giảng. Vừa dắt xe ra đã thấy Tí bụi đợi ở cổng:
– Cô ơi! Con Win…
Tí bụi không nói hết nổi câu, nghẹn ngào… Con Win xong đời rồi! Nạn đập chó, bắt mèo đang hoành hành. Tôi đoán ngay ra cớ sự, nhưng tiết dạy đang chờ. Tôi đạp xe đi, Tí bụi, con Win và bầy con chưa mở mắt của nó theo tôi đến tận cổng trường.
Bà mẹ điên của Tí bụi đang lang thang khắp xóm tìm con Win, gặp ai cũng hỏi: “Thấy hắn mô không? Đêm qua tui trốn hắn đi chơi… Chừ hắn trốn tui đi chơi…”. Dấu máu con Win vẫn còn trên lối xóm. Hắn bị bọn bắt chó quật gậy sắt vào đầu khi chạy theo bà điên…
Trời trở lạnh. Túp lều bên hồ rau muống đầy gió và im lặng. Những mảnh nylon rách te tua vẫn cuồng loạn trong vũ khúc gió. Rác loăng quăng chơi trò đuổi nhau.
Không thấy Tí bụi. Lù lù trong túp lều trống hoác là ổ chó chưa mở mắt. Chúng đang đói lạnh vì thiếu mẹ. Tôi cầm đĩa sữa đến và thấy lũ chó châu đầu rúc vào một đống đen đen. Nhìn kỹ thì ra là Tí bụi… Nó trùm bao tời, khoanh người ủ ấm cho lũ chó con.
Tí bụi ngủ. Bầy chó con cũng ngủ. Còn tôi… bầm lòng!
TG: Quế Hương