67 tuổi chứng kiến người bạn nằm cô độc trên giường bệnh, tôi rút ra một chân lý: Tuyệt đối không được giao hết tiền cho con cái!

Cha mẹ nào cũng muốn cho các con tất cả những gì mình có để mong sau này khi trăm tuổi già sẽ được con cái phụng dưỡng. Nhưng cuộc đời đôi khi chỉ khiến ta khóc chứ không thể cười.

Tôi tên Hảo Lập Bình, tôi 67 tuổi. Hầu hết các bậc cha mẹ trong cuộc sống đều vĩ đại và vị tha, họ có thể cống hiến mọi thứ cho con mình. Tôi cũng từng là một người mẹ như vậy, khi con gái lấy chồng, tôi giúp nó mua nhà và lo chi phí đám cưới. Khi con trai lấy vợ, tôi cũng thường xuyên trợ cấp cho nó. Thậm chí, sau này, tôi còn đưa thẻ lương cho con trai để tùy ý nó lo liệu chi tiêu.

Tôi luôn tâm niệm một người mẹ tốt thì phải như thế này, phải giúp đỡ con mình càng nhiều càng tốt. Cho đến tháng trước, tôi mới bắt đầu nhận ra có lẽ mình đã làm sai điều gì đó.

Chẳng là người bạn thuở nhỏ của tôi- cô Trần phải nhập viện. Tôi và mấy chị em liền đến bệnh viện thăm cô ấy. Cô Trần ở trong một căn phòng bốn người, ba giường còn lại đều có người thân đi cùng, riêng bạn tôi ở một mình, không có con bên cạnh, không có người chăm sóc, trông cô ấy rất đáng thương.

Tôi hơi khó hiểu, vợ chồng cô Trần từng lập công ty riêng khi còn trẻ, về sau khi tuổi đã lớn thì cho con cái dần tiếp quản. Một gia đình khá giả vậy mà bây giờ lại chịu cảnh cô độc, còn không dám thuê phòng bệnh dịch vụ để ở thoải mái hơn.

Ngay khi tôi đang thắc mắc thì cô Trần đã rơi nước mắt. Trần nói rằng chưa từng tâm sự với ai nhưng bây giờ được gặp các bạn nên cảm xúc không thể giấu được.

“Tôi rất hối hận. Nếu tôi biết rằng sẽ có ngày như vậy, tôi đã không nên đau khổ như vậy.”

Cô Trần kể lại, trước đây hai vợ chồng có lập công ty gia đình nhỏ chuyên buôn bán hải sản. Trong một lần đi kiểm tra hàng hóa, chồng cô Trần không may gặp tai nạn nên qua đời. Quá sốc tinh thần, cô Trần quyết định lui về nghỉ ngơi, giao hết tài sản cho hai người con trai tiếp quản.

Chẳng thể ngờ, khi cô còn đang đau khổ với cái chết của chồng, tinh thần bất ổn không còn được minh mẫn thì chúng liền lừa gạt chuyển hết cổ phần công ty thành tên con trai cả đứng tên.

Mấy tháng trước, cô Trần bàng hoàng nhận tin mắc ung thư giai đoạn 4. Tưởng rằng các con của cô sẽ thương mẹ mà hết lòng cứu chữa nhưng kết cục cô chỉ nhận về thái độ lạnh lùng, dửng dưng. Chúng nói chi phí chữa trị quá đắt, trong khi đó mẹ đã ở giai đoạn cuối của bệnh nên có cố gắng điều trị đến đâu thì cũng không thể sống được.

Từ đó, cả hai người con trai đều kệ bà mẹ già tự sinh tự diệt. Khi nào cô Trần lên cơn phát bệnh thì chúng sai nhân viên đưa mẹ vào viện nằm chung với những người già, chứ không phải chuyên khoa ung thư. Đến bữa chúng sẽ thuê người mang cơm lên cho mẹ ăn, còn tuyệt nhiên không hề xuất hiện hỏi han mẹ lấy một lời.

“Nếu tôi nghĩ cho bản thân nhiều hơn và có nhiều tiền hơn trong tay thì bây giờ tôi đã có tiền chữa bệnh mà không phải nằm đây chờ chết trong cô đơn. Đáng tiếc, tôi hiểu ra chân lý này quá muộn, các cô không được học theo tôi, tiền mới nuôi sống được chúng ta chứ đừng trông chờ vào ai khác”, cô Trần khóc lóc tâm sự.

Hôm đó chị em chúng tôi trò chuyện với nhau rất lâu. Tôi hiểu vì sao tôi và cô Trần có thể làm bạn với nhau nhiều năm bởi chúng tôi giống nhau về nhiều mặt. Cô Trần thích hỗ trợ các con của cô ấy và tôi cũng vậy, sự tận tâm của tôi dành cho con cái là không có điểm dừng.

Chỉ cần con trai dỗ dành vài lời, tôi sẵn sàng hy sinh tất cả vì nó. Tôi không nghĩ lúc nó mới lấy vợ tôi lại muốn giúp đỡ con trai mình nhiều như vậy, dù sao nó cũng đã lập gia đình, lương của hai đứa cũng không thấp, có thể nuôi sống lẫn nhau.

Nhưng con trai tôi luôn khóc lóc với tôi rằng nó không có đủ tiền, nhất là sau khi cháu trai chào đời, thỉnh thoảng nó lại đến nhà tôi làm bộ đáng thương. Thế là chẳng cần suy nghĩ nhiều, tôi đã tự nguyện đưa cho nó thẻ lương của tôi.

Khi đã mất lương hưu, tôi tự mình mở một sạp hàng tạp hóa nhỏ, tuy không kiếm được nhiều tiền nhưng ít nhất cũng có thể giải quyết được cuộc sống của tôi.

Đôi khi tôi cảm thấy việc giao thẻ hưu trí cho con trai là không phù hợp, nhưng mỗi lần con trai nói vài lời ngọt ngào với tôi, tôi lại chấp thuận đến mức không hiểu nổi. Ngay cả khi có số tiền còn sót lại từ việc mở quầy hàng, tôi vẫn thường xuyên tiêu nó cho con trai mình.

Nhưng sau khi nhìn thấy số phận của cô Trần, tôi như bị sét đánh, đồng thời tôi cũng rất sợ sau này mình sẽ gặp phải tình huống tương tự. Con trai tôi thường rất giỏi làm mọi người vui vẻ nhưng nó chỉ nói suông, nó chưa bao giờ mua quà hay cho tôi tiền, nó luôn coi sự đóng góp của tôi là điều đương nhiên.

Thế là hôm đó tôi xin thẻ lương mới, từ nay lương hưu của tôi sẽ không cấp cho con nữa. Đến ngày nhận tiền như hàng tháng, con trai tôi đi thu tiền thì thấy thẻ không dùng được nên gọi cho tôi thắc mắc.

Tôi nghiêm giọng nói: “Đúng vậy, mẹ đã đổi thẻ lương. Trước đây mẹ luôn muốn dành hết cho con nhưng giờ mẹ già rồi, mẹ cần tích lũy cho bản thân. Từ nay trở đi, con hãy tự chịu trách nhiệm với cuộc sống của mình đi”.

Con trai tôi hốt hoảng: “Mẹ ơi, cuộc sống của con bây giờ vẫn căng thẳng lắm. Tiền lương hưu của mẹ những 6.000 tệ một tháng, mẹ không cho con nữa thì mẹ trợ cấp cho con một chút có được không. Sau này mẹ ốm đau bệnh tật, ngoài con ra thì mẹ còn trông cậy được vào ai nữa nên mẹ hãy suy nghĩ cho thật kỹ”.

Tôi không ngờ con trai lại dọa mẹ của nó như thế, nhưng điều này cũng khiến tôi hiểu rằng con trai tôi không đáng tin cậy. Nếu sau này tôi thật sự có chuyện gì thì hai vợ chồng nó chắc chắn sẽ từ bỏ tôi.

Vì thế tôi không tiếp tục tranh cãi với con trai nữa mà bình tĩnh cúp điện thoại. Tôi năm nay 67 tuổi và sức khỏe khá tốt, hàng tháng tôi có thể kiếm được một ít tiền bằng cách bán hàng nên tôi để dành hết lương hưu để lo cho mình ngày sau.

Khi thực sự đến mức già yếu, tôi sẽ bán nhà và tìm cho mình một viện dưỡng lão tốt hơn để có thể tự chăm sóc bản thân.

Theo Đời sống Pháp luật

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *