65 tuổi, vừa nghỉ hưu lại phải nhảy xe buýt đi làm bảo vệ kiếm sống dù con cái rất giàu có!

Nếu con cái không thể trở thành chỗ dựa cho bố mẹ khi về già thì bạn cũng đừng trách chúng. Hãy trách bản thân đã kỳ vọng quá nhiều!

Bài viết là lời chia sẻ từ một nam độc giả về câu chuyện của gia đình!

Tôi xin phép được giấu tên của mình và các con để câu chuyện này không ảnh hưởng tới cuộc sống của chúng.

Tôi có hai người con, một trai và một gái. Vợ tôi hiện chỉ ở nhà cấy lúa, trồng rau và nuôi vài con gà bán kiếm tiền mua thức ăn qua ngày. Con gái lớn lấy chồng đã lâu, công việc ổn định, gia cảnh lại khá giả nên vợ chồng tôi cũng an tâm, coi như đã trút bớt được một phần lo lắng.

Con trai út mới lập gia đình được hai năm, hiện đang là thuyền trưởng một con tàu chuyên chở hàng hóa đi nước ngoài nên lương rất cao. Con dâu là giáo viên mầm non. Do con trai thường xuyên xa nhà nên vợ chồng tôi sống cùng con dâu để tiện chăm các cháu cũng như để nhà cửa thêm ấm cúng.

Ngay từ đầu, tôi và vợ xác định nếu còn có thể đi làm thì sẽ không phiền tới các con. Bởi chúng có gia đình nhỏ của mình, có các con phải nuôi và thêm cả bố mẹ chồng, bố mẹ vợ cần báo hiếu. Chúng tôi không muốn trở thành gánh nặng của các con. Hàng tháng, tôi vẫn đưa lương cho vợ để cùng góp tiền sinh hoạt với con dâu bao gồm tiền mua thức ăn, điện nước và các khoản phát sinh.

Song, đầu năm nay tôi đã đến tuổi về hưu, phần lương không còn được như trước. Hơn nữa khi đã bước qua nửa đời người thì bệnh tật cũng ngày càng nhiều, tiền chi cho thuốc thang, bệnh viện không hề ít. Ông bà ta vẫn thường có câu: “Trẻ cậy cha, già cậy con”, tôi và bà xã bắt đầu suy tính đến việc nhờ con trai và con gái chu cấp thêm cho một khoản nhỏ. Hoặc giảm bớt số tiền đóng góp hàng tháng để bố mẹ thoải mái kinh tế hơn.

Song, khi đặt niềm tin và hi vọng vào các con bao nhiêu thì chúng tôi nhận lại sự thất vọng bấy nhiêu. Con gái tôi lấy lý do chồng của nó là người giữ tiền nên rất ngại nếu xin tiền để cho bố mẹ. Còn con trai thì đáp rằng: “Hay bố mẹ ở riêng thì không cần đưa tiền chợ cho vợ con nữa”.

Ôi đây chính là những đứa con hiếu thảo mà chúng tôi đã nuôi nấng bao nhiêu năm nay đấy ư. Mang thai con chín tháng 10 ngày vất vả, từng đêm con ốm khóc bố mẹ thức trắng, có miếng ăn ngon, chỗ nằm êm ấm cũng luôn giành cho con tất cả…Đến khi chúng cưới vợ gả chồng, phận ông bà lại cố gắng giúp đỡ các con bằng cách chăm nom các cháu rồi cơm nước, chợ búa hàng ngày để các con có thể an tâm làm việc. Vậy mà bây giờ khi bố mẹ đã già thì chúng đều đối xử lạnh nhạt như người xa lạ.

Vợ tôi là người yếu đuối nên cứ đến tối lại vắt tay lên trán suy nghĩ rồi khóc. Nếu ai từng sinh con thì có lẽ sẽ hiểu được nỗi đau mà vợ tôi đang nếm trải.

Sau cùng, tôi quyết định ở riêng để vợ tôi có thể thảnh thơi an dưỡng tuổi già. Đồng nghĩa với đó là con dâu và các cháu sẽ phải dọn ra ngoài thuê nhà sinh sống. Tôi cũng không cần ai phải chu cấp tiền cho mình nữa, tôi quyết định xin công việc làm bảo vệ tại một ngân hàng với mức lương 6 triệu đồng. Ngoài ra để tiết kiệm tiền xăng xe, tôi cũng chọn cách đi lại bằng xe buýt hàng ngày thay vì đi xe máy lóc cóc 60km.

Sống lâu trên đời, tôi mới càng thấm thía bài học tiền mình kiếm ra mới là của mình, ngay cả có hai con giàu có thì tôi cũng chẳng thể nương tựa vào chúng lúc tuổi già. Đau đớn hơn, con trai tôi còn nhắc nhở bố nên kiếm một công việc “sang” hơn, bởi nó đường đường là một thuyền trưởng mà có bố làm bảo vệ thì thật xấu hổ.

Cần chuẩn bị những gì để tuổi già không “ăn bám” con cái
Khi về già, bạn tuyệt đối đừng phó mặc bản thân cho con cái hay đặt quá nhiều hi vọng vào chúng. Hãy chủ động chuẩn bị 3 điều sau để cuộc sống hạnh phúc hơn.

Tâm thế không trông chờ

“Không trông chờ” là nguyên tắc đầu tiên mà người già cần lưu ý. Là những cá nhân độc lập, chúng ta nên có trách nhiệm với cuộc sống và sức khỏe của chính mình. Đồng thời giảm thiểu sự phụ thuộc và gánh nặng lên con cái. Khi cha mẹ quá dựa dẫm vào con có thể dẫn đến gia tăng áp lực, gánh nặng cả về tiền bạc lẫn tinh thần cho con. Từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của con. Chính vì thế, chúng ta nên cố gắng hết sức để tự giải quyết vấn đề của riêng mình.

Tiền dưỡng lão

Tuổi càng cao, bạn sẽ gặp phải rất nhiều chuyện nằm ngoài dự liệu, nhất là sức khỏe không được như người trẻ tuổi, hiệu quả công việc và tiền kiếm được cũng sẽ ít hơn. Bạn nhất định phải tích cóp cho mình một khoản tiền dưỡng lão. Ít nhất là phải đủ để nuôi bản thân sống qua ngày.

Con người ai cũng phải trải qua sinh lão bệnh tử, lớn tuổi nhiều bệnh, con cái dốc lòng chăm sóc sẽ khiến bạn thấy tội nghiệp cho chúng, mà con cái lạnh lùng bỏ bê thì bạn càng khổ tâm, suy nghĩ nhiều lại mang thêm bệnh. Cho nên không thể không có tiền dưỡng lão, có tiền rồi, ít nhiều gì cũng không cần nhìn sắc mặt người khác mà sống.

Mọi người vẫn hay bảo, phải có con cái để về già có người chăm sóc, nhưng thực ra sự đời khó đoán, điều tốt nhất bạn có thể làm là không liên lụy người khác, không tổn thương bản thân. Hãy có chuẩn bị từ trước, cả đời chỉ dựa vào bản thân mình, ấy cũng là một loại hạnh phúc.

Sức khỏe vô biên và người bạn đời bên cạnh

Khi về già, bạn càng phải quý trọng sức khỏe hơn. Tuổi tác càng cao, cơ thể càng yếu đi. Con cái hiếu thuận thì có thể ở bên chăm sóc bạn, nhưng ngộ nhỡ gặp phải con cái bất hiếu, hoặc có lòng nhưng không có sức, bận rộn quá nhiều việc thì bạn phải làm sao đây? Chưa kể không có sức khỏe, không có khả năng lao động hay chí ít là khả năng tự chăm sóc bản thân, bạn sẽ trở thành gánh nặng cho người khác.

Bên cạnh đó, khi về già, bạn sẽ rất dễ cảm thấy cô đơn. Con cái có hiếu thuận đến đâu cũng không thể ở bên cha mẹ mãi được. Cho nên, vì hạnh phúc của mình, cũng để không làm phiền đến con cái, tốt nhất là có một người bạn đời ở bên.

Theo Nguyễn Phượng
Phụ nữ số

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *